Wednesday, August 26, 2009

SEX, DƯỚI MẮT NHÌN CỦA NGƯỜI VIẾT NỮ VN

Trịnh Thanh Thủy 

Có quá nhiều người nghĩ rằng bất cứ truyện viết nào dính líu đến tình dục là khiêu dâm. Điều này xa với sự thật. Một câu chuyện có tình dục trong đó, có thể gợi tình nhưng không có nghĩa là nó thuộc loại khiêu dâm. Văn chương tiểu thuyết từ lâu đã được chấp nhận là một thể loại truyện chính yếu đi sâu vào cuộc thám hiểm kinh nghiệm sống con người một cách nghiêm túc. Một trong những kinh nghiệm sống của con người là tình dục. Viết về tình dục là đề cập đến một khía cạnh nhân bản nhất của đời sống. Henry Fielding and Jonathan Swift đã không gặp trở ngại khi viết về tình dục một cách trực tiếp. Tuy nhiên nó đã mở ra những cuộc tranh luận quanh vấn đề các nhà quý tộc kiểu cách thời Victoria đã sử dụng văn chương như một phương tiện để đề cập tới tình dục một cách an toàn và gián tiếp.. Thời đó là giai đoạn Phục sinh, các nhà văn đã dùng những chi tiết tình dục để đạt mục đích mô tả những cá tính nhân vật của mình. Trong tác phẩm Falstaff của Robert Nye, nhân vật dâm dục Falstaff được miêu tả một cách rất chính xác với thứ ngôn ngữ thân xác. Sau đó tình dục đã được lãng mạn hoá (romantic sex) trở thành lành mạnh trong khuôn khổ tình yêu và hôn nhân để xác định chỗ đứng của nó chống lại giai cấp quý tộc lẫn giai cấp công nhân. Đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 thì tình dục đi đôi với tư tưởng giải phóng con người và giữa thế kỷ thì thành giải phóng phụ nữ. Tính tự nhiên và quyết định của tình dục nằm trong lối suy nghĩ “giải phóng” này.. Hélène Cixous, một tiểu thuyết gia kiêm nhà phê bình nữ, trong bài tiểu luận Le rire de la Méduse (1975) đã nhắc nhở phụ nữ viết. Viết chính là tiếng nói của phụ nữ, tiếng nói được xem như cất lên từ dục tính chứ không phải từ văn hoá, tiếng nói để tạo ra cuộc đời, lạc thú chứ không phải để tích tụ. Viết về tình dục, mở được cánh cửa nội tâm con người. Nó bày được những trạng thái tâm, sinh lý thường nhật. Phụ nữ viết về sex để diễn đạt những cảm quan của mình. Họ cũng có trí tưởng tượng như nam giới nhưng xã hội đã dạy họ rằng phụ nữ chỉ được quyền làm cái này, tránh làm cái kia, hoặc làm như thế mới là người phụ nữ tốt. Viết về ngôn ngữ thân xác giúp cho phụ nữ giải tỏa những uẩn ức đó. Đồng thời nó cũng là một kinh nghiệm sống trong vô vàn những kinh nghiệm sống khác mà người viết đưa vào tác phẩm của họ. Hơn thế nó là một hình thức nghiệm sinh, một hành trình qua đó con người tìm ra căn cước tình dục mà cũng là căn cước con người đích thực của mình. Ngoài ra, nó còn phô bày được hiện thực xã hội, khía cạnh của đời sống thực thường được ẩn giấu sau màng lưới thanh lọc của quy luật văn chương hay xã hội. Quy luật văn chương hay xã hội này được thiết lập trên đặc quyền nam tính, nhất là trong một xã hội hay cộng đồng văn chương hẹp hòi và nhiều đố kỵ. Nó trói tay, buộc chân người viết nữ nói chung mà còn vây hãm người phụ nữ Việt Nam trong những giáo điều khe khắt nói riêng. Người phụ nữ Việt Nam đã viết gì? Người viết nữ Việt Nam khi đặt bút viết, thường quanh quẩn trong môi trường gia đình và con cái. Họ viết về tình yêu, khát vọng, đam mê, ước mơ, qua giọng văn nhỏ nhẹ, tế nhị, dịu dàng, thùy mị và khiêm nhường. Có một số người viết nữ có khuynh hướng bung thoát khỏi tầm ngắm. Họ muốn bứt phá bức tường thành kiến xã hội, tả và viết về tình dục như một biểu trưng của nữ quyền. Đồng thời họ cũng là mục tiêu cho nhiều phát đạn từ nhiều phía bắn vào. Hình ảnh một người phụ nữ phản kháng lại thành kiến xã hội có thể là một hình ảnh cực kỳ xấu xa dưới mắt nhìn của nam giới và xã hội. Người phụ nữ viết về tình dục còn phải đối đầu với bạn bè, người thân, gia đình lúc nào cũng có những bất đồng ý kiến. Họ sẽ được gắn nhãn hiệu “một người nữ dữ dằn, mất tính dịu dàng, thùy mị, biết phục tùng của người phụ nữ Việt Nam”, không kể đến việc viết về tình dục sẽ bị gán thêm danh hiệu “con đĩ dâm ô” vì quan niệm “văn là người”. Họ bị xem thường và hạ phẩm giá ngang hàng với tình dục vì từ lâu xã hội vẫn quan niệm tình dục là thấp hèn, đồi trụy, dâm ô, là bản năng loài thú. Người viết về tình dục tức một người dâm ô đáng khinh miệt!!! Trong xã hội ngày nay, nhiều người đã có quan niệm cởi mở về tình dục. Nhiều người viết nam đã nhắc nhở và đề cập tới sex nhiều hơn trong tác phẩm của mình mà độc giả xem như đó là chuyện tự nhiên, quen mắt. Nhưng đối với người viết nữ Việt Nam thì không. Họ vẫn bị lên án viết tục tĩu. Nhưng tục tĩu là gì? Có phải những cảm xúc xuất phát từ dục tính? Ngôn ngữ của thân xác? Ước vọng của con người? Người đọc Việt Nam có thói quen, tất cả những gì dính dáng bộ phận sinh dục hay hành động tính dục đều cho là dâm ô, tục tĩu. Định kiến xã hội có thói quen cảm nhận những từ ngữ thân xác là thô tục, trơ trẽn, sống sượng và hung bạo. Hơn nữa, mô thức đạo đức xã hội phong kiến đã khống chế tư duy của người Việt Nam một thời gian dài, từ ảnh hưởng Khổng, Mạnh, Phật giáo tới tinh thần thanh giáo trung cổ của Công giáo Việt Nam, đến tinh thần thanh giáo của chủ nghĩa xã hội, người Việt Nan vẫn còn đặt nặng luân lý xã hội, đạo đức cách mạng, đạo đức xã hội chủ nghĩa, v.v… trên bình diện nghệ thuật nói chung, văn chương nói riêng. Người viết nữ chạm đến tình dục như một thách thức lại rào cản luân lý, đạo đức, xã hội. Do đó họ nghiễm nhiên bị lên án. Trong kho tàng văn học Việt Nam thời xưa, người viết nữ đề cập đến tình dục nhiều nhất là nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Bà dùng thơ ca để phản kháng mãnh liệt sự đối xử bất công của xã hội đã chèn ép, đánh giá thấp thân phận người phụ nữ qua bản thân của chính bà. Ngày nay những tác phẩm văn chương của bà được xã hội chấp nhận, ca tụng nhưng dĩ nhiên vào thời của bà, bà ắt chịu nhiều dè bỉu và phê bình gay gắt. Là một phụ nữ học giỏi, có tài thơ văn nhưng duyên phận long đong, Hồ Xuân Hương phải làm lẽ ông Tri Phủ Vĩnh Tường luống tuổi. Sau ông mất sớm, bà phải gá nghĩa cùng ông Cai Tổng Cóc nhưng không lâu ông cũng qua đời. Trong bài thơ “Lấy chồng chung”, bà nói lên được nỗi đắng cay chua xót của người phụ nữ lấy chung một chồng qua quan niệm đa thê, “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng”: Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng, Chém cha cái kiếp lấy chồng chung. Năm thì mười họa hay chăng chớ, Một tháng đôi lần có cũng không. Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm, Cầm bằng làm mướn, mướn không công. Thân này ví biết đường nào nhỉ, Thà trước thôi đành ở vậy xong. Những người phụ nữ chịu đựng cảnh bị ức chế tình dục trong việc phải chia sẻ một người chồng ở xã hội Việt Nam thời xưa rất nhiều. Chuyện ái ân đối với họ như một ân huệ “lúc có, lúc không”. Khi được cho, thì “cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm (hỏng)”, thường xảy ra. Sống một thời gian ngắn với hai ông chồng già lắm vợ, bà Hồ Xuân Hương luôn lâm vào tình trạng nói trên. Trong bài thơ “Đánh cờ”, bà cũng bị hụt hẫng, tạo nên trạng thái uẩn ức tình dục ở người phụ nữ: Chàng với thiếp đêm khuya trằn trọc đét đồn lên bày cuộc cờ người … … … chàng lừa thiếp đang khi bất ý đem tốt đầu dú dí vô cung thiếp đang mắc nước xe lồng Nước pháo đã nổ đùng ra chiếu Rốt cuộc bà cũng chẳng hưởng được gì. Sự bất công thối nát của xã hội phong kiến, khát vọng tình yêu và uẩn ức tình dục đã đẩy nữ sĩ Hồ Xuân Hương vào con đường cầm viết mà là một cây viết tình dục nữ như một duyên kiếp. Trước thập niên 75, nhà văn nữ Lệ Hằng trong tác phẩm Mắt tím đã cho nhân vật nữ, vợ bé của một ông lớn nhiều tuổi, nói lên nỗi lòng của người phụ nữ với sự bất mãn tình dục: “…Tôi nhắm mắt lại cảm giác đốt cháy sao nguôi tàn. Da thịt thôi đã hết sôi. Ái ân khi đầy khi vơi khi nồng nàn, khi giá băng. Tôi bực bội khó chịu vì Thụy không chờ nổi tôi đi hết đường. Nửa vời khó chịu quá, tôi mặc Thụy nằm thờ quay mặt đi. Da thịt tôi buồn bực như lá chưa xanh đã héo, như quả chưa chín đã khô, như người chưa lớn đã vội già. Tôi muốn Thụy biến đi chỗ khác mà ngủ mà ngáy. Tôi muốn được một mình. Bây giờ tôi hiểu tại sao đàn bà ngoại tình. Thà không có chồng thà đừng ân ái. Thứ ân ái nửa vời là thứ ái ân đàn bà thù nhất…” (Lệ Hằng, Mắt tím) Ngày nay với sự tiến hoá của xã hội, chế độ “một vợ, một chồng” tuy giành được phần nào công bằng cho người nữ nhưng sự xem thường và ít coi trọng cảm xúc người phụ nữ vẫn xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Kỹ thuật điện toán đã nối cầu giao lưu giữa người và người. Phụ nữ không còn mặc cảm thân phận dưới khung trời ảo. Họ tranh luận, tự tin, cởi mở, nói điều muốn nói, bày tỏ cảm nhận của mình bạo dạn và rõ ràng hơn, nhất là trong lãnh vực tình dục. Họ tự hào đã vượt qua thành kiến xã hội. Họ dễ dàng chấp nhận thế giới ảo như một sinh hoạt xã giao thường nhật. Thế giới ảo làm thay đổi tư duy, cách cư xử của người phụ nữ nói chung và người phụ nữ trẻ nói riêng. Nữ giới bây giờ đọc và viết nhiều hơn ngày trước (Trịnh Thanh Thủy, “Phụ nữ viết”) Gần đây, Lê Thị Thấm Vân, một cây viết nữ cấp tiến, đã kể lại câu chuyện của một nhân vật nữ, có người yêu bị bất lực nên rơi vào tình trạng uẩn ức tình dục. Để bù đắp tình trạng khiếm khuyết, phụ nữ này đã sống với nhiều người đàn ông và đắm chìm trong tình dục với bản năng của loài thú. Qua tiếng nói người đàn bà này, chúng ta thấy được sự phản kháng mãnh liệt thành kiến hủ lậu “trai năm thê, bảy thiếp” và sự bùng vỡ của tiếng nói bấy lâu bị bắt buộc phải nín lặng trong văn chương: “...Mình ớn mình, sợ mình. Không lẽ cứ sống cái đời lăng quăng quanh mấy thằng đàn ông con trai mãi vầy sao? Tối qua mình nằm nghĩ thật tình như vầy: đàn ông khỏe mạnh trẻ trung to con cỡ như thằng Mễ, một ngày ra ba lần là hết xí quách, đi chân nam đá chân xiêu, mắt nhìn gà hóa chó. Còn con mụ đàn bà, như tụi điếm, làm tình một ngày cả tá thằng đàn ông chẳng sao cả, vẫn ca vọng cổ, cải lương rất ư mùi mẫn, vẫn gánh nước đi khơi khơi... Đúng ra đàn bà có thể lấy một lúc nhiều chồng được, chứ tại sao một ông mà có hàng lố bà vợ được??? (Trai năm thê bẩy thiếp). Một bà có thể làm thỏa mãn ba thằng đàn ông trong cùng một lúc. Còn đàn ông là no way! Không cách chi làm thỏa mãn được mụ vợ thứ ba chứ đừng nói chi đến mụ vợ thứ bẩy!!! (Gái chính chuyên một chồng). Chắc vậy mà đàn ông hay sợ quê, tự thấy mình bị lép vế, yếu kém thua đàn bà nên ưa toác họng ưỡn ngực thằng nào cũng mạnh mồm cho ta đây mạnh khỏe, sức lực dồi dào macho, đêm bảy ngày ba, loe ngoe chưa tính. Dóc tổ mẹ. Toàn một lũ nói cho đã miệng. Thằng nào cũng nhiều đào, nhiều em, nhiều vợ... Cả một lũ nằm mơ. Thôi thì cho tụi nó ước ao sống tận cùng với những giấc mơ, nhưng trong thực tế tụi nó tự biết là đéo chẳng bao giờ đạt được. Ừ, mình nghĩ con người cũng lạ lùng. “ (Lê Thị Thấm Vân, Âm vọng) Từ xưa, văn chương là địa bàn của nam giới. Erica Jong có nói “Phụ nữ chọn nghề văn thường là để tạo dựng chỗ đứng trong một xã hội do đàn ông cai quản”. Nhà văn nam đề cập tới tình dục khác nhà văn nữ. Họ không có khuynh hướng tả miên man và kéo dài một phân cảnh. Họ thích chớp nhoáng và đạt mục tiêu mau lẹ. Họ tập trung trên diễn tiến sinh vật lý. Phụ nữ thì nghiêng về cảm xúc sinh lý hơn: “Tôi ngước mặt lên đón nước, bộ ngực thanh tân chưa hề ai đụng tay vào lồ lộ ngẩng cao… Bỗng chàng đặt hai tay lên người tôi, xoa nhè nhẹ. Tôi run rẩy, kích động. Một cảm giác rạo rực chưa bao giờ biết trong đời con gái bỗng làm tôi suýt khóc. Dưới nước mà tôi nghe lửa cháy rực người. Tôi nhắm mắt lại, mở mắt ra, quýnh quáng chẳng biết phải làm sao. Tôi lụp chụp ghì hai bàn tay chàng, nhẩn nha cắn những ngón tay thô bạo gợi tình. Từ cổ họng phát ra tiếng kêu rên là lạ.” (Miêng, Đồng thiếp) Viết về Sex là một trò đu dây đầy cám dỗ dành cho những cây bút nhiều năng lực và bản lãnh. Người viết non tay dễ dàng cho những dòng chữ mình viết rơi xuống sự khiêu dâm thấp kém. Ngược lại, với người viết cao tay, có thể soi rọi và làm thăng hoa những ẩn ức bí mật chìm sâu trong thế giới tâm linh, bản năng khuất lấp thân phận con người. Truyện ngắn “Ám thị” của Phạm Thị Hoài tả cảnh nhân vật nữ là một người đàn bà được chồng cưng chiều cho người về đấm bóp để trị bệnh đau nhức. Hoài đã tung hoành ngòi viết của mình trong ghetto sex cấm kỵ mà người đọc không mảy may cảm thấy bà đang đụng chạm đến “Taboo” tình dục: “Thày ngồi chắc chắn phía sau, đỡ tôi bằng hai đầu gối, cằm tì nhẹ trên gáy tôi, tay vòng qua nách ra trước, ôm quanh hai vai, khoá lại. Thày thúc nhẹ. Lưng tôi kêu rất đẹp. Tôi uốn người ra sau như cánh cung, chân chơi vơi không chạm chiếu, đầu ngả xuống ngực thày. Thày nghiêng xuống, má ấp má tôi một thoáng, miệng kề miệng tôi trong tích tắc. Tay nhẹ nhàng buông vai, hứng lấy hai bầu ngực. Ngực tôi từ cương dễ sợ, hai núm vểnh lên thật đáng xấu hổ… Tay ấy vê ngón tay tôi, vuốt mu bàn chân tôi, không quên một ly… Tay ấy mười con mắt. Bây giờ tay ấy ôm ngang eo tôi, lùa trên bụng tôi, toả xuống ngang hông, chập chờn, thăm dò. Rồi quả quyết chườm quanh rốn. Rồi xoa, mỗi vòng một rộng, tay này đuổi tay kia, một quành xuống bụng dưới và một lội qua vùng ngực. Rồi ngọt ngào miết dọc những dẻ xương sườn. Rồi miết đi miết lại từ cổ xuống ức, lách giữa hai bầu ngực…” (Phạm Thị Hoài, “Ám thị”) Phái nam dựng truyện, cấu tạo người phụ nữ theo mắt nhìn và quan điểm cá nhân của họ.. Khi đề cập đến tình dục cũng vậy, họ viết, nói, nghĩ thay cho phái nữ. Nhân vật nữ được uốn nắn theo ý người viết và được đưa công thức “rên, thở, sướng khoái, xúc cảm” toàn theo chủ ý người viết. Pat Califia đã nói trong cuốn Leatherdyke của bà “Tôi rất chán khi phải đọc những tiểu thuyết viết dối trá, không thật về đời sống tình dục của chúng tôi”. Trong tiểu thuyết Bếp lửa viết vào thập niên trước 1975, Thanh Tâm Tuyền đã cho nhân vật nữ tên Hạnh tư duy theo lối suy nghĩ của một người đàn ông Việt Nam: “...đã thổi vào máu Hạnh sự say đắm nhiệt tình trong yêu đương. Sau mỗi lần như thế khi lấy lại bình thường, Hạnh có vẻ ngượng ngùng. Có một lần nằm cạnh tôi, Hạnh nắm tay tôi để lên ngực nàng và hỏi: “Anh có khinh em không?” (Thanh Tâm Tuyền, Bếp lửa) Người phụ nữ trong tiểu thuyết của ông mang một tâm trạng người con gái Việt Nam lúc nào cũng sợ nhân vật nam khinh khi vì đã trót lỡ cho người nam chiếm đoạt và ăn nằm với mình dù đã ân ái biết bao lần, dù đã nhiệt tình say đắm. Sự xem thường, coi rẻ người đàn bà đã hiến thân, lỡ cho đi cái quý nhất đời mình đã ăn sâu vào nhân vật nam cũng là hoá thân của tác giả nên tác giả đã cho Hạnh tư duy theo chiều hướng suy nghĩ của mình và khoác cho Hạnh cái tâm trạng mặc cảm mãi mãi bị ám ảnh. Vô hình chung, tác giả ngầm nhắc nhở người phụ nữ lúc nào cũng phải trở về vị trí của mình, cái thân phận “nằm dưới”... Trùng Dương của thập niên 70, trong Chung cư, đã cho Diệu, nhân vật nữ của mình hành động, tư duy như một người nữ vì chính họ là phụ nữ. Cái tôi của người phụ nữ trong tình dục được thể hiện qua hành động “đòi nằm trên”: Diệu bảo: “Em lên anh nhé?” (Trùng Dương, Chung cư) Lê Thị Thấm Vân xác định rõ ràng hơn vị thế bình đẳng của người nữ trong việc chăn gối. Nhân vật của Thấm Vân không chịu khuất phục trước định mệnh và bản năng và sống đến tận cùng cảm giác đời mình. Lần làm tình thứ nhất, cô nhớ, ở phòng trọ nhà người bạn đi nghỉ hè, cô ra dấu bảo anh đổi tư thế, với vẻ trìu mến của con mèo hoang, cô ngồi lên người anh. Làn sóng bụng anh nhấp nhô theo nhịp nhẩy hai bầu vú cô. Cô nhớ mãi đôi mắt anh không giấu được sự kinh ngạc. Đó là dấu hiệu mang dấu ấn tự quyết mà sau này liên hệ hai người quấn chặt bởi bao khoảng trống im lặng giằng co phức tạp. Và rồi tiếp những lần sau, nhiều năm sau, đôi ba lần cô vừa làm tình vừa khóc dữ dội trên người anh. Cô không cần giấu mặt, nước mắt rơi vãi thấm qua làn da cả hai. Chỉ với riêng anh, vài lần hiếm hoi để đời. Không cả với chồng, sau này. Trong tự điển đời em, em luôn cố gắng bôi xóa hai từ ngữ định mệnh và bản năng. (Lê Thị Thấm Vân, Âm vọng) Trong xã hội Việt Nam hiếp dâm không được xem là tội trọng. Trong văn học, nó được đơn giản hoá như một tai nạn, một sự kiện hay được người viết hoá phép, biến thể thành sự đồng thuận, và hơn thế nữa kẻ bị hiếp dâm lại tìm được thống khoái trong khi bị hiếp. Chúng ta có thể tìm thấy điều này nhan nhản trong các tác phẩm như “Chí Phèo” của Nam Cao, Giông tố của Vũ Trọng Phụng hay trong cuốn Tình cao thượng xuất bản tại Sài Gòn năm 1968 của Nguyễn Mạnh Côn. Nguyễn Mạnh Côn là một nhà văn miền Nam rất cấp tiến. Nhân vật nữ là thiếu nữ tên Ngọc còn rất trẻ bị một bọn du thủ, du thực bắt cóc, thay phiên nhau hãm hiếp, nhưng: “…Trong lúc đi lại với em, em không thấy ghê tởm... Nó đi lại thật mạnh, thật lâu. Có lúc em đê mê, cuống quýt, hình như em đã rên rỉ, đã bảo nó hôn em đi, hình như em có rướn người, ghì chặt lấy nó...” (tr. 69) ... thế mới biết Tư Giỏn đã làm cho em mệt, sự mệt mỏi dấu hiệu của sự thoả mãn toàn thân... (tr. 89) Trong xã hội Tây Âu ngày nay, hiếp dâm là một trọng tội. Tội hình gia trọng thứ nhì sau giết người bằng vũ khí. Nạn nhân hứng chịu những vết thương bạo hành trên cả hai phương diện sinh lý và tâm lý. Có người nổi điên hoặc bị ám ảnh suốt cuộc đời. Chưa kể chuyện bị người yêu, bạn bè hay xã hội ruồng bỏ, xa lánh. Ngọc là một thiếu nữ rất trẻ, có thể chưa có kinh nghiệm về tình dục, bị bắt cóc và hãm hiếp tập thể như vậy, không đau đớn, băng huyết hay phát điên thì thôi lại còn rên rỉ, thoả mãn, đáp ứng cuồng nhiệt. Không có một vở kịch bi hài nào hơn đoạn viết này. Tôi không muốn đi sâu vào việc phân tích kỹ thuật viết của tác giả mà chỉ muốn đề cập đến sự kiện hiếp dâm của đám du đãng đã được tác giả che đậy và làm trắng án bằng cử chỉ biểu đồng tình. Trong bài viết"SC trước bàn thờ” đăng trên diễn đàn talawas, ông Kiệt Tấn đã thể hiện cái tinh thần “hiếp dâm, thô bạo” phụ nữ trong lối viết “…Mà một khi đã nứng cặc rồi thì phải đụ, đàn bà không chịu đụ thì hiếp dâm, hiếp dâm không được thì đi chơi đĩ…” Sự tấn công tình dục của nhân vật nam trong truyện ngắn “Chéo áo con bạn vàng” của Kiệt Tấn đã cho chúng ta thấy rõ quyền thống trị, chiếm hữu phái nữ (dưới tuổi vị thành niên) trong truyện của ông. Đây là một trích đoạn của Kiệt Tấn, diễn tả cảnh một nhân vật nam sau khi hẹn hò gặp gỡ người yêu tuổi 15, 16 của mình nơi mả đá. "…Tôi mân mê chút hông còn để trống cho đỡ ghiền. Sóng tình dường đã xiêu xiêu, xem trong âu yếm có chiều lả lơi. Tôi mân mê lần xuống thấp, ướm thử. Co giãn, nới được, không thắt gút như mọi bận. Tim tôi đập mạnh. Tôi luồn tay. Nàng chận giữ tay tôi lại, đè cứng. Tôi vói tay kia gỡ tay nàng ra rồi bàn tay nọ tiến lên, sát trên làn da mịn màng. Đầu tôi bừng bừng. Bàn tay tôi nâng lên, dỡ ra, mắt liếc nhìn như tia chớp… cỏ non lơ thơ nằm êm xuôi trên gò trinh nữ, xuôi xuôi một chiều, dễ thương vô cùng, mơn mởn tuyệt diệu, dễ thương như tóc măn đầu đời trên mỏ ác của đứa trẻ sơ sinh vừa được mẹ hiền vuốt cho tóc nằm xuôi xuống… Tim tôi đứng sững chết cứng theo tia nhìn mướt trên gò trinh nữ… nàng vùng vẫy, tôi cố sức rấn bàn tay xuống. Hoa thốt kêu “Đừng anh! Đau.” Tôi đã trở nên người điếc.. ...Nàng kéo ra, vùng vẫy thảng thốt. Đừng anh! Dằn co. Đừng anh… Đừng anh! Tội nghiệp em! Tôi chưa kịp nghe… Anh Tội nghiệp em! Đầu nàng lúc lắc, tóc lất phất phủ vào mặt tôi… Tội nghiệp em! Có tiếng nghẹn nấc. Tiếng Hoa nấc khóc… Tôi thở dài. Tôi nâng mặt Hoa lên, nước mắt nàng còn nhỏ giọt. Tôi hỏi em có giận anh không? Nàng lắc đầu…. “ Người con gái còn vị thành niên tuổi 15 bị chính người yêu của mình hiếp dâm, chống cự mãnh liệt, chỉ biết rấm rứt khóc lúc tàn cuộc và cuối cùng được tác giả cho phép nhân vật nam được tha thứ bằng hành động lắc đầu của người tình. Thế là tội hình gia trọng được trắng án. Trong xã hội có biết bao nhiêu người thiếu nữ Việt Nam bị hiếp dâm bằng chính người yêu của mình trong bóng tối mà không biết kêu than hay có thể kháng cự lại. Xong việc nói ra thì xấu hổ, ngậm đắng nuốt cay mà im lặng rồi gánh chịu hậu quả của hành động bạo hành bằng một cái bầu phải mang cùng bao nhiêu thống khổ của tai tiếng xã hội. Chỉ những người phụ nữ có cùng một cảm xúc, một cõi tư duy mới thông cảm, mới nói lên được nỗi chua xót, thống khổ, xót xa đau đớn của nạn nhân bị bạo hành. Sự đồng cảm giúp nhà văn nữ viết về đề tài nhạy cảm này thật và sống hơn. Như nữ sĩ Eve Ensler đã ghi lại kinh nghiệm đau thương của một phụ nữ Bosnian, người đã bị hiếp dâm trong số 70.000 phụ nữ bị hiếp dâm trong cuộc chiến Bosnia. Như Thấm Vân kể lại cho chúng ta nghe, một cảnh hiếp dâm: “...Cả cái may-ô trắng, hắn nhét tọng vào mồm má.... Má cố giẫy giụa dưới cánh tay hắn. Bóng tối đặc lềnh dù trời sáng trưng. Cánh tay hắn nặng hơn toàn thân má. Nó là khối Uy Quyền. Hắn nhấc bổng người má, tấn mạnh vào tường, nghe một tiếng to đùng. Má ngất nửa thân dưới. Hắn khóa tréo hai tay má ra đằng sau. Tấm thân hắn là lò lửa. Con trâu điên biết chính xác hành động Muốn gì. Cái may-ô hắn tọng trong mồm làm má nghẹt thở. Má thấy mình đang bị ai thẩy xuống vực thẳm từ đỉnh trời. Hàng trăm triệu vòng tròn xoay tít trong tròng mắt. Sức Mạnh quả là khủng khiếp, thịt dần thịt. Hắn như cọp say máu, xé toạc má bởi cơn điên loạn, tọng cái vật gì cứng như khúc củi khô vào háng má, sâu thấu tận đỉnh óc. Đớn đau má hét, Không Được. Nước mắt chảy.. Cơn đau bùng lên theo từng cái thốc người của hắn, mạnh bạo và liên tục. Mớ tóc dài của má hắn xoắn ghì trọn mấy vòng tay. Hắn nhai nát hai đầu vú má. Hơi thở hắn như sấm rầm. Má cố cắn cào cấu, nhưng Không Được. Hai chân má dẫy đành đạch, cũng Không Được. Má không thể bám chặt một Vật Thể hay một Ý Niệm nào cả. Ôi! cái Quyền Năng của kẻ có Sức Mạnh. Má Vỡ Tan Tành. Giờ đây, mỗi khi đi tiểu hay đi cầu, là Võ Thị Gái nghĩ ngay đến khúc củi dài, khô, cứng, đầu nhọn hoắc thọc sâu vào lỗ-đít-lỗ-đi-tiểu-Ôi-đớn-đau-đến-dường-nào...” (Lê Thị Thấm Vân, Bóng gẫy của thần tích) Không ai viết về tình dục phụ nữ thật và đúng hơn người phụ nữ hoặc ngược lại. Giả dụ khi bạn là nam giới muốn viết về một cặp trai gái yêu nhau, qua cái giai đoạn tán tỉnh, thân mật, nắm chân, nắm tay thì cũng phải tới giai đoạn làm tình, né đâu được vì nó hiện thực mà. Bạn muốn diễn đạt cái cảm xúc sinh lý của nhân vật nữ, bạn tả làm sao? Không lẽ lấy kinh nghiệm bản thân mình ra mà tả. Chắc chắn trăm phần trăm là bạn tả sai. Vì bạn có phải là người nữ đâu? Xúc cảm và các tiến trình sinh lý của người nam và người nữ khác nhau hoàn toàn. Bạn sẽ bảo, dẹp đi, tả cái cảnh dâm dật ấy làm gì. Hoặc bạn sẽ lờ phắt người nữ, chỉ tả hành động của người nam, hay né tránh nhẹ nhàng bằng vài lời đối thoại sơ sơ và khép tấm màn nhung, cho họ hiểu ngầm và tưởng tượng? Nhu cầu thưởng thức của người đọc bây giờ đâu đơn giản như vậy. Tôi không muốn nói là bạn cần phải viết theo thị hiếu của người đọc nhưng trình độ thưởng thức của người đọc ngày càng phức tạp, thông minh và đa dạng. Người đọc ngày xưa có thể thụ động, ngồi yên xem bạn viết gì thì viết và cứ đọc, nhưng ngày nay họ cần đọc những gì thật hơn là những tưởng tượng hời hợt hay dối trá. Nếu bảo tiểu thuyết là tưởng tượng nhưng đâu phải tất cả những gì trong tiểu thuyết của bạn đều là hư cấu, hư cấu thường dựa trên sự thật mà tưởng tượng thêm. Đó là một trong những lý do tại sao người phụ nữ cần tham gia vào văn học trên khía cạnh tình dục bằng chính ngòi bút của mình. Như tôi đã nói ở trên, tình dục chỉ là một khía cạnh của đời sống. Viết về tình dục là viết về một khía cạnh nhân bản của đời sống con người và là lựa chọn riêng của người viết. Người viết nữ Việt Nam chọn viết về tình dục là chọn con đường chông gai nhiều tai tiếng và sóng gió so với những con đường thênh thang khác. Tôi nhận thấy cái giá họ phải trả cho công việc mà họ yêu mến này thật quá đắt. Vì vậy nên độc giả và những tác giả trước khi tham gia tranh luận nên tìm đọc tác phẩm các nhà văn nữ thay vì chỉ đọc vài trích dẫn qua mấy bài viết của Nguyễn Văn Lục, Thế Uyên… rồi mạnh mẽ đánh giá. Vì những trích dẫn và ngay cả bài viết của một tác giả không ít thì nhiều làm gì không có thành kiến hay thiên vị riêng. Chỉ có tác phẩm mới là tiếng nói thật, nói lên được những gì người viết muốn nói. Trịnh Thanh Thủy Ref. link: http://www.talawas. org/talaDB/ showFile. php?res=4321&rb=0508

No comments: